THƯ VIỆN TRƯỜNG THCS HƯNG LONG
BÀI TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH
“CÁC TÁC PHẨM VIẾT VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM”
Chủ điểm: Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
(20.10.1930 – 20.10.2024)
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do. Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà chính họ còn là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường, chịu đựng gian khổ với tinh thần lạc quan cách mạng, họ chăm sóc thương binh, đồng đội bằng tất cả tấm lòng yêu thương. Còn có biết bao người phụ nữ thầm lặng, dung dị, mộc mạc; họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý; mòn mỏi chờ đợi người thân trong chiến tranh, để rồi cũng không còn đủ nước mắt khi những người thương yêu không bao giờ trở về. Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam lại được tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ. Phụ nữ Việt Nam dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn mang trong mình những phẩm chất cao quý “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang ”. Nhằm tiếp tục phát huy những đức tính tốt đẹp đó, chị em luôn nỗ lực hết mình khắc phục mọi khó khăn, đem hết trí tuệ, sức lực, là chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển của gia đình và xã hội. Hưởng ứng 94 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024), để ôn lại những trang sử hào hùng, những truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, Thư viện nhà trường xin giới thiệu tới các thầy cô giáo, các em học sinh một số tác phẩm viết về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử .Đây đều là những tác phẩm hay và ý nghĩa, nó không chỉ cung cấp những kiến thức lịch sử mà còn giúp chúng ta cảm thấy tự hào về người phụ nữ Việt Nam cũng như làm tăng thêm ý chí phấn đấu để không phụ lòng mong mỏi của các bậc tiền nhân:
Cuốn sách thứ nhất có tên “ Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan” của tác giả Bá Ngọc, Trần Minh Siêu được nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2007 với 79 trang khổ 20,5cm. Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu được thêm cuộc đời cao đẹp của một người mẹ Việt Nam- người đã sinh thành vĩ nhân Hồ Chí Minh.Nội dung cuốn sách gồm những mẩu chuyện kể về bà Hoàng Thị Loan thời trẻ, cô gái xinh đẹp, nết na, thông minh, dí dỏm, kín đáo, cương nghị, giàu lòng vị tha; kể về tuổi ấu thơ của cô, đầy ắp những ký niệm về gia đình, quê hương, làng xóm, bạn bè; kể về mối tình nên duyên trai tài gái sắc của cô, mối tình vượt lên trên lễ giáo phong kiến; kể về cuộc đời cô-người phụ nữ tần tảo lam làm nuôi chồng con ăn học, đặc biệt truyền vào tuổi thơ Nguyễn Sinh Cung, con trai mình, những đức tính, tâm hồn quý báu, góp phần làm nên nền tảng văn hóa, nhân cách Hồ Chí Minh. Qua cuốn sách này, bạn đọc còn biết được nhiều chuyện xúc động: cuộc hành trình mang nặng, đi bộ vượt trên 400 kilômét vào Huế, cuộc sống, lao động vất vả nơi kinh thành để giúp chồng con ăn học của bà Hoàng Thị Loan. Nỗi đau đơn của gia đình: khi bà mới sinh bé Xin, thì bị lâm bệnh nặng, qua đời trong lúc người thân ở xa, chỉ một mình bé Cung tuổi mới lên mười, chịu tang mẹ, xin sữa nuôi em. Cô Thanh, một mình thân gái đi bộ kiên gan đưa hài cốt mẹ về quê. Cậu Cả Khiêm tìm nơi để đặt hài cốt mẹ…Bạn đọc cũng được biết về vùng quê Nam Đàn “ địa linh nhân kiệt” về mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh- một di tích lịch sử-văn hóa quý giá.
|
Cuốn sách thứ 2 mà thư viện muốn giới thiệu mang tên “Nguyễn Thị Suốt người mẹ anh hùng” do các tác giả Hương Giang, Nguyễn Minh Trung biên soạn được nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành năm 2009 với 31trang khổ 21cm. Nội dung cuốn sách kể về hình ảnh Mẹ Suốt(1906-1968) người quê ở Bảo Ninh (Đồng Hới - Quảng Bình), là người chuyên chở đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ thời kháng chiến chống Mĩ. Trong những năm tháng giặc Mĩ leo thang chiến tranh, bắn phá ác liệt các trục lộ, các tuyến giao thông, nhằm ngăn chặn con đường chi viện từ Bắc vào Nam, Nhật Lệ trở thành “con sông huyết mạch”. Giặc Mĩ đã trút xuống nơi đây hàng ngàn tấn bom đạn. Mặc bao nguy hiểm, Mẹ Suốt vẫn dũng cảm chèo đò chở bộ đội, thương binh, vũ khí sang sông. Tháng 01/1967, Mẹ được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Ngày 13/10/1968 Mẹ Suốt hi sinh trong một trận bắn phá ác liệt của máy bay Mĩ. Hình ảnh người nữ chiến sĩ-người mẹ anh hùng vùng đất Quảng Bình sống mãi trong lòng nhân dân cả nước.
Kính thưa các thầy cô giáo, các em học sinh thân mến!
Có thể nói rằng những cuốn sách mà thư viện vừa giới thiệu tới các thầy cô giáo, các em là những cuốn sách hay và ý nghĩa, bởi nó không chỉ cung cấp những kiến thức lịch sử mà còn giúp chúng ta luôn cảm thấy tự hào về người phụ nữ Việt Nam và là động lực thúc đẩy giúp chúng ta phải cố gắng học tập, rèn luyện để xây dựng tổ quốc ngày một văn minh giàu đẹp hơn, để không phụ lòng mong mỏi của các bậc tiền nhân. Hiện nay các cuốn sách đang nằm trong tủ sách của Thư viện nhà trường. Vì vậy Thư viện xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với các thầy cô và các em học sinh. Rất mong sự đón đọc của các thầy cô và các em
Hướng tới kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10 xin được gửi lời chúc tới các bà, các mẹ, các cô giáo thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. Chúc các em học sinh ngày càng chăm ngoan, học giỏi dành nhiều bông hoa điểm tốt dành tặng cho bà, cho mẹ cho các cô giáo của mình các em nhé!
Xin trân trọng cám ơn!
Hưng Long, ngày 14 tháng 10 năm 2024
Người thực hiện
Phạm Thị Hương
|