THƯ VIỆN TRƯỜNG THCS HƯNG LONG
BÀI TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4/2024
Chủ điểm: Chào mừng 49 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024).
Cuốn sách “ Mãi mãi tuổi hai mươi”
Tác giả: Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc
___**___
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Hướng tới kỉ niệm 49 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2024). Trong buổi giới thiệu sách ngày hôm nay thư viện trường xin gửi tới các thầy cô và các em cuốn sách “ Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, do nhà báo, nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm, giới thiệu và được nhà xuất bản Thanh niên tái bản phát hành vào tháng 3 năm 2006 với khổ 13x19cm.
Cuốn sách chỉ dày 295 trang với khổ sách không lớn nhưng cuốn hút chúng ta vào dòng thác miên man những suy nghĩ của một chàng trai Hà Nội gác bút nghiên lên đường ra trận với lý tưởng chiến đấu ý thức trách nhiệm vì tổ quốc. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc sinh ngày 14/10/1952 tại làng Bưởi - Hà Nội, trong một gia đình nghèo, dù vừa đi học vừa tranh thủ làm phụ giúp gia đình nhưng suốt 10 năm học Phổ thông anh đều đạt được học sinh giỏi toàn diện. Anh học giỏi cả Văn và Toán và là sinh viên xuất sắc của khoa Toán cơ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh được ban tuyển sinh xếp vào diện đi đào tạo tại Liên Xô nhưng đó cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn mới. Chiến trường miền Nam ngày càng gay go, ác liệt. Anh cũng như hàng ngàn sinh viên khác, tạm xếp bút nghiên cởi áo sinh viên khoác lên mình áo lính. Anh tham gia quân đội từ ngày 6/9/1971 hy sinh tại chiến trường Quảng Trị ngày 30/7/1972, lúc đó chưa đầy 20 tuổi.
Cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi” là một cuốn nhật ký được viết bắt đầu từ ngày 2/10/1971 (thời gian đầu của cuộc đời quân ngũ) và kết thúc ngày 24/5/1972 (trước khi hành quân vào tuyến lửa).
Khoảng khắc thời gian ngắn ngủi chưa đầy một năm, một lát cắt trong cuộc đời con người nhưng nó cho ta thấy thế giới tâm tư phong phú, thấy cả tâm hồn anh, con người anh và đằng sau đó là một thế hệ đẹp đẽ đã sống và ra đi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Ngay từ đầu, cuốn nhật ký đã mở ra những trang đẹp nhất của tâm hồn anh với khát vọng ra đi, lý tưởng chiến đấu và ý thức trách nhiệm vì Tổ quốc. Anh viết: “Mình đã bắt đầu sống có trách nhiệm từ đâu, từ lúc nào? Có lẽ là từ 9/3/1971, tháng ba của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu và hoa bằng lăng nước” và anh khát khao: “Chóng tới gia đình lớn. Nơi ta gửi gắm thời thanh xuân của mình”. Xuyên suốt cuốn nhật ký là khát vọng được vào tuyến lửa, giáp mặt quân thù. Vì là nhật ký – cuốn sách mà anh tự nghĩ sẽ không bao giờ có ai đọc nên tự nó đã phô diễn trung thành thế giới tâm tư anh: Khi phơi phới niềm vui lên đường nhưng cũng không ít khi buồn nản, chán chường... Song tình yêu, niềm tin vẫn là nốt chủ đạo trong tâm hồn anh, chàng thanh niên Hà Nội Nguyễn Văn Thạc còn dành phần lớn tâm tư của mình cho người mà mình yêu dấu. Hình ảnh Như Anh – người con gái anh yêu xuyên suốt cuốn nhật ký. Nhiều khi người đọc có cảm tưởng, anh đang trò chuyện cùng Như Anh, viết cho Như Anh.
Hình ảnh người con gái ấy ám ảnh anh khi buồn vui, khi đau khổ, nâng anh dậy và tiếp sức cho anh nuôi sống lý tưởng, ước mơ; lời vẫy gọi thiết tha của ngày về. Tình cảm trong sáng, thuần khiết đó đã tạo nên một khoảng trời dịu dàng, bình yên đầy lãng mạn trong cuốn nhật ký. Đây là một tình yêu lý tưởng tiêu biểu của thanh niên thời chiến tranh ấy. Chàng trai ra trận, cô gái đi học xa, tình yêu vượt thời gian và không gian chín lên trong tình cảm nhớ thương mong ngóng đợi chờ hi vọng của hai người.Chị đã hỏi anh câu hỏi “Hạnh phúc là gì?” khi hai người còn là học sinh. Câu hỏi hạnh phúc bao lứa đôi thời chiến đã hỏi và tìm cách định nghĩa cho mình. Và khi vào lính anh đã viết thư cho chị hẹn ngày 30-4-1975 anh về gặp chị và sẽ trả lời. Lời hẹn hò như tiên tri ấy của Nguyễn Văn Thạc đã ngân một nốt trầm lắng trong lòng người con gái anh yêu, trong lòng những người cùng thế hệ, và đọng lại hôm nay một niềm bi tráng. Ngày 30/4/1975 đã qua, nhưng anh và bao đồng đội đã không có mặt trong ngày chiến thắng của dân tộc. Anh đã ngã xuống trong một trận đánh ác liệt bên Thành cổ Quảng Trị khi mà tuổi đời chưa đầy 20 và 10 tháng tuổi quân với “biết bao dự định còn dang dở”
Bên cạnh dòng “suy nghĩ” cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” cho ta thấy những “sự kiện” hay nói đúng hơn hình ảnh đất nước và con người Việt Nam một thời khói lửa chiến tranh vừa đau thương ác liệt vừa bình dị, vừa dữ dội vừa yên lành. Trên mỗi đường anh đi là một miền quê và những con người được khắc họa trung thực, có nét đáng yêu đáng quý nhưng anh cũng không ngần ngại nói lên những cái xấu, cái bề bộn của một thời. Mặc dù chỉ có 10 tháng tuổi quân nhưng dọc đường hành quân ra trận khắc phục biết bao gian khổ, hy sinh, Thạc vẫn làm tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ vừa tích cực ghi chép những sự kiện, nhưng cảm nghĩ về Đời, về Người trong nhưng năm tháng hào hùng của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn ác liệt tiến đến thắng lợi hoàn toàn. Cuộc đời tuy không dài nhưng đã để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, cho đồng đội, bạn bè và đất nước về một con người trưng hiếu, học giỏi, cuộc sống giản dị, chân thực luôn với ý thức phấn đấu để công hiến thật nhiều cho tổ quốc và nhân dân.
Chiến tranh đến nay đã lùi xa hơn 49 năm nhưng cuốn nhật kí thì thật đáng quý nó góp phần phản ánh cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân ta đồng thời phản ánh một thế hệ thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng, sãn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tấm gương của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là một minh chứng cho Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng, dân tộc Việt Nam anh hùng. Hôm nay khi đất nước ta đã hoà bình, độc lập, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, biết ơn công lao to lớn của thế hệ cha anh, những chiến sĩ đã anh dũng hi sinh.
Hướng tới kỉ niệm 49 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước thông qua việc đọc và tìm hiểu về cuốn nhật ký mỗi người trong chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta hãy học tập theo gương sáng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, người đã dâng trọn tuổi xuân của mình cho đất nước, để từ đó có những hướng đi đúng, những nghĩa cử cao đẹp, biết sống vì mọi người, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, nỗ lực học tập rèn luyện, không ngừng phấn đấu để nâng cao bản lĩnh chính trị, thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, qua đó đóng góp công sức và trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh và bảo vệ tổ quốc Việt Nam yêu quý.
Nhật kí “ Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc sẽ là một cuốn sách thật ý nghĩa, một tư liệu quý giá mà thư viện trường muốn gửi tới bạn đọc. Hi vọng các thầy cô giáo và các em học sinh hãy tìm đọc cuốn sách tại thư viện nhà trường với số đăng kí cá biệt SDD-00146; 00147; 00148 này nhé. Buổi giới thiệu sách đến đây tạm dừng. Hẹn gặp lại các thầy cô và các em học sinh trong buổi giới thiệu sách lần sau. Chúc các thầy cô giáo sức khoẻ, thành công trên bục giảng. Chúc các em học sinh chăm ngoan học giỏi và ngày càng say mê đọc sách.
Xin chân thành cám ơn!
Hưng Long, ngày 22 tháng 4 năm 2024
Người thực hiện
Phạm Thị Hương