TRƯỜNG THCS HƯNG LONG
BÀI TUYÊN TRUYỀN
“TUẦN LỄ HƯỞNG ỨNG HỌC TÂP SUỐT ĐỜI NĂM 2022”
Chủ đề: “Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ học tập suốt đời sau đại dịch Covid-19”.
Kính thưa các thầy cô giáo , các em học sinh thân mến!
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời là hoạt động hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Trong những năm qua, Tuần lễ đã được các địa phương tổ chức đạt hiệu quả tích cực, có tác dụng lan tỏa trong xã hội; đã huy động được các sở, ngành, hội, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp ủng hộ. Từ tuần lễ, nhiều lớp học chuyên đề đã được mở ra; nhiều thư viện, tủ sách cho các cơ sở giáo dục, lớp học và cho cộng đồng đã được xây dựng, góp phần phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội.
Thực hiện kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 21/09/2022 của UBND Huyện Ninh Giang về việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022 trên địa bàn huyện Ninh Giang. Vì vậy thư viện trường xin gửi tới các thầy cô giáo, các em học sinh bài tuyên truyền “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” ngày hôm nay.
Chúng ta biết rằng từ xa xưa, các thế hệ người Việt Nam luôn coi trọng việc học là nền tảng cho mọi thắng lợi. Truyền thống quý báu đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Lúc sinh thời, vua Quang Trung từng nói: Xây dựng đất nước phải lấy việc học làm đầu. Trải qua bao thế kỉ, câu nói ấy vẫn còn nguyên giá trị, và chúng ta tin tưởng rằng, cho đến mãi mãi về sau câu nói đó vẫn là một chân lý sáng ngời. Sinh thời, cố Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn trăn trở sao cho “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cho đến ngày nay, những điều trăn trở của Người vẫn còn nguyên giá trị và chúng ta ngày càng nhận thức sâu sắc rằng chỉ có một xã hội học tập, chỉ có học tập suốt đời mới có thể tạo nên một môi trường lành mạnh nhất để “ai cũng được học hành”. Điều này đã được thực tế đã chứng minh, đất nước ta đã phát triển ngày càng văn minh hơn đó là nhờ vào việc học. Chính vì thế đề cao việc học đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta. Bất cứ thời đại nào thì việc học cũng quan trọng và được đặt lên hàng đầu. Đảng ta coi Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu. Điều đó đòi hỏi các cấp lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương cùng ra sức đầu tư cho giáo dục, chăm sóc cho sự nghiệp trồng người. Ngày nay xây dựng xã hội học tập gắn với việc học tập suốt đời cho mọi người là một xu thế tất yếu trong kỉ nguyên mới - kỷ nguyên kinh tế tri thức với hội nhập, toàn cầu hóa. Đó cũng chính là cơ sở để phát triển kinh tế, khoa học công nghệ và con người trong thời đại mới.
Thời gian hai năm qua, sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống và lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng không ngoại lệ. Hiểu được những khó khăn và thách thức của toàn thể giáo viên, nhân viên, học sinh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030", trong đó có những mục tiêu quan trọng mà đề án hướng tới là xây dựng xã hội học tập suốt đời trong điều kiện chuyển đổi số. Qua đó, mỗi người dân sẽ là một công dân học tập, bất kể ai cũng có cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời, có cơ hội trở thành một công dân toàn cầu. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục được xem là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sau đại dịch Covid-19 chúng ta càng cần thực hiện chuyển đổi số hơn nữa để vừa thích nghi và hội nhập với Thế giới.
Có nhiều định nghĩa và cách giải thích về khái niệm "chuyển đổi số", nhưng có thể kết luận rằng: Quá trình chuyển đổi số là chuyển các hoạt động của chúng ta từ thế giới thực sang thế giới ảo trên không gian mạng.
Tại Việt Nam, có nhiều hoạt động giáo dục đã được chuyển đổi như giáo viên dạy học trực tuyến, học sinh làm bài tập/bài kiểm tra qua các phần mềm hỗ trợ, thư viện tuyên truyền sách bằng video trực tuyến.
Việc chuyển đổi số trong giáo dục đã giúp chúng ta tiếp cận thông tin, kiến thức dễ dàng, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian và thời gian, cung ứng cho mỗi người nhiều cơ hội học tập, phát triển bản thân.
Với mục tiêu xây dựng xã hội học tập trong thời đại chuyển đổi số, phòng giáo dục và các ban ngành đã từng bước được hỗ trợ, đổi mới các phương pháp giảng dạy, truyền đạt và kiến thức để giúp công dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng dù trong thời điểm dịch bệnh.
Có thể kể đến như dạy học trên truyền hình địa phương, truyền hình quốc gia, chương trình dạy học trên truyền hình bao gồm các kiến thức căn bản từ khối lớp tiểu học đến khối lớp phổ thông sát với nội dung học tập do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành.
Việc giảng dạy trên các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp người học từ mọi độ tuổi, mọi khu vực địa lý đều được đảm bảo chất lượng giáo dục, không bị gián đoạn tri thức, phù hợp với trụ cột "học để biết" do UNESCO đề ra.
Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ phù hợp với trụ cột "học để biết" mà còn có rất nhiều kế hoạch, biện pháp giúp công dân tiếp cận với mục tiêu "học để làm việc".
Trong các trường học, tổ chức giáo dục đã thực hiện giảng dạy qua các phần mềm hỗ trợ, xây dựng chương trình học tập trên không gian ảo đã giúp người học chủ động với việc học của mình, cải thiện khả năng tự học, khả năng ghi nhớ và khả năng tiếp thu.
Trong thời đại công nghệ số và nền kinh tế tri thức, chuyển đổi số trong giáo dục chính là cơ hội để công dân cập nhập và thích nghi, thay đổi phù hợp với thời đại, với sự biến đổi liên tục của công nghệ.
Nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật giáo dục số, công dân không chỉ có cơ hội học tập thường xuyên, thích nghi với thời đại mà còn tạo ra những sự tương tác đầy mới mẻ, bám sát với trụ cột "học để cùng nhau chung sống" - mục tiêu thứ ba của "học tập suốt đời".
Bộ Giáo dục và đào tạo đã đưa ra những hướng dẫn để giáo viên và học sinh, sinh viên có cơ hội kết nối, học tập và giảng dạy ở mọi điều kiện địa lý thông qua các chương trình học tập trực tuyến.
Học sinh, sinh viên không còn bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, bởi điều kiện sống, học sinh, sinh viên có thể dễ dàng liên lạc, trao đổi với các bạn học để hoàn thành các bài tập.
Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đưa kiến thức đến với công dân một cách dễ dàng mà còn kịp thời hỗ trợ các kĩ năng cần thiết để bất kỳ ai cũng có thể trở thành một công dân của thời đại số, một công dân toàn cầu, đảm bảo mọi công dân đều có cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời, đúng với phương châm "Tạm dừng đến trường, không dừng học". Nhờ có chuyển đổi số trong giáo dục đã đem lại những cơ hội học tập và những cơ hội để mọi công dân có thể phát triển bản thân, tiếp cận tri thức một cách dễ dàng, công bằng hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học suốt đời. Xã hội học tập là một xã hội mà mọi người đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời; mọi người được tiếp cận những cơ hội học tập thuận lợi và lấy tự học cùng với ý chí, nghị lực phấn đấu kiên trì của mỗi người là chính để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội; mọi người không phân biệt tuổi tác, từ người già đến người trẻ, không phân biệt ngành nghề, trình độ, đều thấy học tập là nhu cầu của cuộc sống, luôn cần phải học và học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc và mỗi người đều có trách nhiệm tham gia tạo ra cơ hội học tập cho người khác. Trong xã hội học tập, các hình thức học tập rất phong phú, đa dạng và linh hoạt (học theo lớp, học trong trường chính quy, học ở ngoài nhà trường, học qua mạng, từ xa, học qua đồng nghiệp,…).
Kính thưa các thầy cô giáo và các em học sinh thân mến!
Năm nay “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” diễn ra từ ngày1/10 đến 07/10/2022 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ học tập suốt đời sau đại dịch Covid-19”. “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” là dịp tôn vinh, giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc Việt Nam. Không ngừng học tập, tiếp cận công nghệ thông tin trong học tập cũng như trong cuộc sống tạo chuyển biến lớn cho xã hội. Chính vì vậy, các thầy cô giáo, các em học sinh hãy cùng tham gia “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022” và “xây dựng xã hội học tập” với việc thường xuyên đến Thư viện đọc sách, ủng hộ sách báo để xây dựng, phát triển văn hoá đọc trong thư viện của nhà trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học, tra cứu thông tin…
Để “tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” tạo ra một sự nhận thức sâu sắc, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn trường cũng như trong nhân dân và cộng đồng, mỗi chúng ta đặc biệt là Liên đội nhà trường hãy làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền cổ động cùng chung tay xây dựng xã hội học tập ngay tại gia đình mình, địa phương mình để xây dựng thành công xã hội học tập và để khẳng định: Con người Việt Nam không chịu nghèo nàn lạc hậu, con người Việt Nam hiếu học, ham hiểu biết, giàu nghị lực, quyết vượt qua mọi khó khăn trở ngại để xây dựng đất nước mạnh giàu. Chúng ta hãy thực hiện tốt các khẩu hiệu hành động trong “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2022, đó là:
“Học tập suốt đời là chìa khóa của sự thành công”;
“Trong kỷ nguyên số, ai nắm dữ liệu, người đó nắm tương lai”
- Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại
- Tự học để phát triển năng lực và phẩm chất.
- Tự học là một cách xây dựng xã hội học tập.
- Phát triển thói quen đọc để trở thành người học suốt đời.
- Học, học nữa, học mãi (Lê Nin)
- Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời (Hồ Chí Minh)
- Biết nhiều, nghe rộng mới làm nên sự nghiệp (Lê Quý Đôn)
- Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để làm người (UNESCO)
- Đọc sách để mở mang tri thức-rèn luyện nhân cách.
Kính thưa các thầy cô giáo, các em học sinh thân mến!
Hy vọng từ ngày hôm nay toàn thể giáo viên và học sinh trường ta sẽ trở thành một hạt nhân tích cực tham gia hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2022 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ học tập suốt đời sau đại dịch Covid-19” để cùng chung tay xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng, to đẹp, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Hưng Long, ngày 3 tháng 10 năm 2022
|
Người thực hiện
Phạm Thị Hương
|